PHÁT TRIỂN NHU CẦU LOGISTICS
Để phát triển nhu cầu logistics thì cần phát triển hướng vào các nhóm công ty chính là công ty trong nước, công ty xuất nhập khẩu và công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của WB, VN có chỉ số LPI ở mức trung bình khá cho thấy ngành logistics tại VN vẫn còn hứa hẹn nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức bán lẻ hàng hóa ở mức cao cho thấy đây là những yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của lĩnh vực logistics. Do các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã bị chiếm lĩnh bởi các DN logistics nước ngoài nên thị trường chứa đựng nhu cầu mà các công ty logistics VN có thể chiếm lĩnh là các DN trong nước và các công ty xuất nhập khẩu. Để có thể phát triển được thị trường, thì điều rất quan trọng là các công ty trong nước cần phải nâng cao nhận thức của các DN này về lợi ích của dịch vụ logistics. Hiện nay, nhiều DN trong nước vẫn còn chưa nhận ra được lợi ích của logistics trong việc giảm chi phí kinh doanh.
Tại VN, hàng hóa phải đi qua rất nhiều khâu trung gian và do đó, làm tăng chi phí giao dịch và tăng giá bán. Mặt khác, các DN cũng chưa có thói quen sử dụng dịch vụ thuê ngoài mà chủ yếu là tự làm. Khi DN tự mình thực hiện các hoạt động logistics thì sẽ tốn rất nhiều vốn đầu tư và không đạt được chất lượng cao.
PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ LOGISTICS
Phát triển các loại hình dịch vụ logistics là yêu cầu rất quan trọng khi phần lớn DN logistics VN chỉ tập trung khai thác các mảng nhỏ trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, mà hình thức phổ biến nhất là hình thức giao nhận vận tải. Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ chuỗi giá trị gia tăng logistics. Các DN cần phát triển thêm các dịch vụ đa dạng như giao nhận hàng không, giao nhận hàng hải, gom hàng nhanh, quản lí đơn hàng… Để có thể tiếp cận việc cung ứng các dịch vụ mới, các DN logistics cần đảm bảo chất lượng dịch vụ và giảm giá thành các dịch vụ đang cung ứng bằng cách như đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cũ, mua sắm các trang thiết bị chuyên dụng mới, áp dụng các phương pháp quản trị logistics tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng hiện đại… Trong quá trình hoạt động và phát triển, các DN cần nhất quán chiến lược đa dạng hóa các loại hình dịch vụ cung cấp cho khách hàng, hướng tới dịch vụ trọn gói và tham gia vào toàn bộ chuỗi cung ứng của khách hàng.
Hiện nay, do các DN logistics VN còn quy mô nhỏ, năng lực hạn chế nên các DNVN chủ yếu cung cấp dịch vụ một cách đơn lẻ. Do đó, trong thời gian tới, các DN cần tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài khi cung ứng dịch vụ để quá trình cung ứng dịch vụ logistics là đầy đủ theo một quy trình chuẩn. Việc các DNVN tham gia liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các DN, giúp các DN học hỏi được kinh nghiệm quản lí, phương pháp quản lí hệ thống logistics, có được sự hỗ trợ về mặt tài chính, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn…
Phát triển đa dạng các loại hình DN cung ứng dịch vụ logistics cả về hình thức, quy mô, phương thức hoạt động… Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như các điều kiện tham gia và rút lui khỏi thị trường để có thể huy động nhiều hơn các nhà đầu tư và các DN tham gia vào thị trường này.
PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG LOGISTICS
Nâng cao kết cấu hạ tầng hiện có bằng cách xây dựng cảng nước sâu và cảng khu vực trên các vùng. Hình thành các trung tâm logistics đặt ở những đầu mối giao thông thuận tiện cho việc chuyên chở. Từng bước nâng cấp các tuyến đường bộ trọng yếu, hình thành mạng lưới đường bộ đồng bộ và hiện đại ở ba vùng kinh tế trọng điểm. Mở rộng và hiện đại hóa các đầu mối giao lưu quốc tế, phát triển các trục nối với các nước láng giềng.
Đầu tư phát triển có sự nhấn mạnh đến việc phát triển cảng biển. Hiện nay, 98% vận tải container đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung ở cảng TP.HCM và Hải Phòng. Tuy vậy, các cảng này vẫn còn nhiều hạn chế về luồng lạch và độ sâu nên trong thời gian tới cần xây dựng các cảng biển nước sâu. Mặt khác, cũng cần tiến hành nạo vét và cải tạo luồng lạch của các cảng hiện có để tăng công suất khai thác của các cảng biển. Trước mắt, cần tận dụng và khai thác ở mức cao công suất của các cảng biển hiện có bằng cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các cảng. Thực hiện sự đổi mới trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa, phối hợp với các phương thức vận tải khác. Thúc đẩy sự cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng tại các cảng và kết hợp với các chức năng kho hàng hiện đại tại các cảng.
Giải quyết các “nút cổ chai” về kĩ thuật của hệ thống nhằm hướng đến mục tiêu tăng hiệu quả và giảm chi phí logistics. Đối với kết cấu hạ tầng đường biển thì cần tập trung nâng cấp hệ thống cảng và đội tàu. Đối với kết cấu hạ tầng đường sông thì cần xây dựng các cảng trên cơ sở xác định các tuyến chính cùng với việc đầu tư trang thiết bị phù hợp. Đối với kết cấu hạ tầng đường sắt thì tập trung cải tạo và nâng cấp các tuyến hiện có, nghiên cứu và xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Đối với kết cấu hạ tầng đường bộ thì tập trung nâng cấp chất lượng các tuyến đường hiện có, mở rộng mặt đường và tăng tỉ lệ đường được trải nhựa.
Nguồn : Tổng hợp