Lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống khiến nhiều lao động liên tục nhảy việc song không như những năm trước, các doanh nghiệp khá “thờ ơ” với việc này và nhu cầu tuyển dụng cũng giảm hẳn.
Lao động đến Trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc |
Mặc lao động nghỉ việc
Anh Trần Văn Trung, đang lái xe bồn chở vật liệu xây dựng cho một doanh nghiệp vận tải ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) kể: “Từ đầu năm đến giờ, tôi nhảy việc phải đến 5 – 6 lần. Lúc thì lái xe ở Bình Thuận, TP.HCM rồi cuối cùng dạt về Bình Dương. Lương cũng được khoảng 5 – 6 triệu/tháng nhưng công ty cứ nợ liên miên khiến cuộc sống gia đình bấp bênh. Công ty hiện tại làm ăn cũng chẳng khấm khá mấy nhưng vẫn phải bám vì các công ty khác cũng trong tình cảnh tương tự, chứ cũng chẳng khá hơn gì”.
Trong khi đó, chị Trần Thị Bé, quê Nam Định làm công nhân may tại KCN Linh Xuân (Q.Thủ Đức) quyết tâm xin nghỉ việc để tìm việc làm có thu nhập tốt hơn, đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dù nghỉ việc được hơn 1 tháng, đã đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và nhờ tư vấn giới thiệu việc làm nhưng chị Bé vẫn chưa tìm được một công việc nào ưng ý. “Việc thì cũng nhiều nhưng chỗ nào lương cũng thấp ngang ngang nhau, mình bằng cấp lại không có nên đành chịu”, chị Bé than thở.
Theo Công ty dệt Việt Thắng, năm nào cũng thế cứ vào thời điểm cuối năm, doanh nghiệp lại lo “sốt vó” khi lao động nhảy việc làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Do đó, công ty phải cử người đi dán thông báo khắp nơi để kiếm lao động gấp thay cho số công nhân đã nghỉ việc để kịp giao đơn hàng cuối năm. Song năm nay, khi các đơn hàng từ nước ngoài đến thời điểm này bằng một nửa năm ngoái nên lao động nào muốn nghỉ việc cũng mặc kệ.
Ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm TP.HCM cho hay, trong phiên dao dịch tại sàn giao dịch việc làm TP mới nhất vào giữa tháng 10 vừa qua cho thấy, số lao động được các doanh nghiệp tuyển rất ít. Trong đó, có hơn 1.640 người tham gia tìm việc làm, song số người được các doanh nghiệp thông báo nhận việc chỉ có 392 lao động. Chủ yếu là lao động phổ thông thuộc các ngành dệt may, cơ khí, kế toán...
Hàng chục ngàn lao động đang thất nghiệp
Nhiều lao động tâm sự, có một công việc làm dù lương thấp vẫn còn may mắn hơn nhiều người khi bỗng dưng mất việc vì công ty phá sản. Trong khi đó, cái Tết 2013 đang cận kề, đủ thứ phải lo.
Nhiều ngày nay, anh Nguyễn Đức Hồng, nhân viên một công ty bất động sản Q.Bình Thạnh rơi vào tình cảnh bế tắc, phải chạy vạy khắp nơi để có tiền nuôi gia đình. Anh Hồng chán nản nói: “Sau Tết, công ty cắt giảm lao động, đến lúc chỉ còn vài nhân viên thì chết hẳn. Rơi vào tình cảnh mất việc, lương không có để trang trải cuộc sống cho 2 con nhỏ, vợ thì mới sinh xong nên cũng chưa đi làm lại khiến tôi bị stress nặng. Đến giờ vẫn chưa tìm được công việc nào phù hợp nên phải làm việc thêm bán thời gian, với đồng lương quá thấp”.
Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Giám đốc BQL KCN – KCX TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm đến nay đã có 136 dự án phải ngừng hoạt động, giảm công suất hoặc thanh lý dự án trước thời hạn do gặp khó khăn về vốn, đơn hàng, thị trường tiêu thụ… Do đó đã kéo theo hơn 1.400 lao động bị mất việc làm hoặc chưa có việc làm.
Theo thông tin của UBND TP.HCM thì số lao động đăng ký thất nghiệp là 107.379 người, tăng 25.483 người so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 85.292 người đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trước tình hình này, UBND TP đã yêu cầu các quận, huyện phải rà soát và nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời cập nhật thông tin cung cầu lao động. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm cho người thất nghiệp, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2012.
Theo : Infonet