Các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đang gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2012, theo một khảo sát của Công ty cổ phần báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 14-10.
Kết quả của báo cáo dựa vào ý kiến khảo sát 300 doanh nghiệp được xếp hạng là tốt nhất Việt Nam, bao gồm Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500), Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) và Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500); và tổng hợp gần 4.400 bài báo trong 8 tháng đầu năm nay.
Nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu chuẩn bị cho việc công bố Top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) diễn ra cuối năm nay.
Khảo sát cho biết, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp lớn sụt giảm. Có 44% các doanh nghiệp lớn cho biết họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số doanh nghiệp vay được nhiều vốn hơn trước, nhưng vốn vay chỉ chiếm tối đa 50% trong tổng vốn kinh doanh của doanh nghiệp.
Đa số doanh nghiệp (hơn 50%) nhận định các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục nhận được ưu đãi tín dụng lớn nhất từ ngân hàng, và chỉ có hơn 20% doanh nghiệp cho biết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhận được ưu đãi từ ngân hàng.
Báo cáo cho rằng, đây là một tín hiệu không vui đối với quyết tâm cải cách tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế.
Trong khi đó, báo cáo khẳng định năm 2012 là một năm kinh doanh khó khăn đối của ngành ngân hàng.
Cho tới hết quí 2-2012, nhiều ngân hàng chỉ đạt 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Các ngân hàng khác dù đã đạt được 50% chỉ tiêu cũng xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong tháng 7 do đánh giá tình hình kinh tế biến động không thuận lợi và không nhiều khả năng tăng tín dụng cho tới hết năm. Rất nhiều ngân hàng, lợi nhuận trong nửa năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó.
Các ngân hàng Việt Nam gặp phải các vấn đề liên quan đến nợ xấu tăng đột biến trong các tháng đầu năm 2012. Tính tới tháng 6, con số nợ xấu được tính toán ở khoảng 256.000 tỉ đồng, chiếm 10% trong tổng dư nợ toàn ngành. Trong khi đó, con số này trong các năm trước rất thấp, 2,5% năm 2009, 2,1% năm 2010 và 3,3% năm 2011.
Báo cáo khẳng định: "Vấn đề nguy hiểm hơn là ở chỗ, những nguồn thông tin chính thức lại không thống nhất với nhau về con số chính xác của khoản nợ xấu này khiến cho vấn đề khó được giải quyết nhanh chóng. Hệ thống ngân hàng tiềm ẩn rủi ro rất lớn do các ngân hàng lách hạn mức tín dụng, che giấu các khoản nợ xấu, khiến cho việc kiểm soát khó khăn, ảnh hưởng lớn tới thanh khoản và hoạt động của toàn hệ thống“.
Bản báo cáo viết: "Tóm lại, Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhất của giai đoạn khủng hoảng là cải tổ hoạt động của toàn bộ ngành ngân hàng".
Bức tranh khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam như trong báo cáo không phải là mới.
Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm nay các doanh nghiệp đang nợ đọng thuế khoảng 21.000 tỉ đồng (khoảng 6,8% tổng thu nội địa), trong đó số nợ đọng của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 13%.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hơn 40.000 doanh nghiệp đã giải thể hoặc dừng hoạt động trong 9 tháng đầu năm, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Theo bộ này, có tới 53.000 doanh nghiệp giải thể và dừng hoạt động trong năm 2011.