- NHNN chi nhánh TPHCM vừa gửi văn bản đề nghị các NHTM trên địa bàn (hội sở, chi nhánh) tiếp tục triển khai, mở rộng và thông tin tuyên truyền hơn nữa về các gói sản phẩm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh do đơn vị áp dụng. Tuy nhiên, có vẻ tín dụng vẫn đang tăng trưởng chậm hơn huy động.
Mở rộng tín dụng sản xuất
Theo ông Tô Duy Lâm, Giám đốc NHNN TPHCM, các NHTM cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn, từ đó phối hợp với cơ quan chức năng để đề xuất giải pháp hỗ trợ và mở rộng tín dụng cho phù hợp, hiệu quả đối với từng ngành nghề, lĩnh vực cho khách hàng, nâng cao hiệu quả của các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.
Số liệu mới đây cho thấy tổng dư nợ của các NHTM trên địa bàn TPHCM đến cuối tháng 8 ước đạt 767.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước, tăng 2,1% so với cùng kỳ, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 10,3% so cùng kỳ.
Điều này cho thấy tín dụng vẫn còn tăng trưởng chậm, nhưng điểm tích cực so với tháng 7 là dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng thêm 7.059 tỷ đồng, cho vay xuất khẩu tăng 10.798 tỷ đồng, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tăng cao nhất 21.597 tỷ đồng, riêng cho vay công nghiệp hỗ trợ không tăng.
Con số dư nợ cho vay 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên tăng nhanh trong tháng 8 có một phần rất lớn do lãi suất cho vay 4 lĩnh vực này giảm khá mạnh, thậm chí có NHTM chỉ cho vay với lãi suất dưới 9%/năm, thấp hơn trần huy động.
Hiện nay, thị trường tín dụng có nhiều gói tín dụng lãi suất 12-13%/năm của các NHTM cho sản xuất kinh doanh, lãi suất 14-15%/năm đối với cho vay thực hiện dự án, sửa chữa và mua nhà để ở. Trong đó, nhiều NHTM liên tiếp tung ra các gói tín dụng lãi suất ưu đãi theo yêu cầu của NHNN.
Đầu tuần này Sacombank triển khai gói tín dụng 500 tỷ đồng cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp nhập khẩu trên toàn quốc. Lãi suất áp dụng cho các khoản vay này từ 13%/năm với thời hạn vay tối đa 4 tháng. Từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai 15 gói nguồn vốn cho vay ưu đãi trị giá 11.000 tỷ đồng và 180 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo DongABank, hiện dư địa cho vay còn lớn nên DongABank đang đẩy mạnh cho vay ra, nhưng tìm được khách hàng tốt cho vay hiện nay không dễ, đặc biệt các doanh nghiệp có bảng báo cáo tài chính “sạch sẽ”, không có nợ quá hạn và có đầu ra tiềm năng trong kinh doanh lại càng khó kiếm.
Trong khi đó, nhiều NHTM cũng thừa các gói lãi suất thấp nếu tính theo tỷ trọng trên tổng dư nợ cho vay còn rất thấp, bởi các NHTM cân đối nguồn vốn lựa chọn dự án tốt nên chưa thể có lãi suất thấp đại trà cho thị trường.
Áp lực giải ngân
Ghi nhận của phóng viên ĐTTC tại nhiều doanh nghiệp cho thấy dù lãi suất các gói tín dụng ưu đãi thấp hơn trần huy động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không muốn vay. Thứ nhất, do hàng hóa tồn kho còn cao nên nhiều doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất thêm để tập trung giải quyết hàng tồn.
Thứ hai, dù NHTM đưa lãi suất cho vay thấp 9-10%/năm nhưng yêu cầu cao về tài sản thế chấp, đồng thời ràng buộc kỳ hạn vay dài, tính phí phạt trả nợ trước hạn và lãi suất cố định tối đa chỉ 3 tháng.
Tức khách hàng vay ban đầu có thể hưởng lãi suất thấp nhưng về sau không loại trừ bị rủi ro khi NH điều chỉnh lãi suất cho vay. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp đang tồn nợ xấu tại các NHTM nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay mới. Bởi vậy cần có biện pháp xử lý hàng tồn và nợ xấu, NH và doanh nghiệp mới thoát khỏi vòng bế tắc tín dụng hiện nay.
Theo số liệu thống kê của NHNN, 8 tháng năm nay, lượng vốn các NH huy động được có tốc độ tăng trưởng gấp 10 lần đà tăng trưởng của tín dụng.
Tín dụng vẫn còn chậm buộc các NHTM phải đổ vốn vào mua trái phiếu chính phủ vừa an toàn vừa đáp ứng được chỉ tiêu dư nợ. Dù lợi nhuận kiếm được từ mua trái phiếu chính phủ không lớn nhưng kênh tiêu vốn này cũng đang hẹp lại.
Do vậy, áp lực đẩy vốn từ nay đến cuối năm của các NHTM càng lớn hơn. Hiện tại, một số NHTM đã có chính sách kích cầu tín dụng qua việc giao chỉ tiêu nhân viên tín dụng đi kiếm khách hàng vay vốn, nhất là với khách hàng cá nhân có thu nhập ổn định, có nhu cầu vay vốn tiêu dùng.
(Theo SGĐT)