Chiều ngày 28/10/2012, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2012. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp báo. Tham dự buổi họp báo có đại diện các Bộ Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước,… cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và Hà Nội.

Toàn cảnh buổi họp báo

Báo cáo kết quả phiên họp thường kỳ ngày 28/10/2012 của Chính phủ, Ông Vũ Đức Đam cho biết: dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nội dung cơ bản của kỳ họp Chính phủ đã tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2012, Theo đó, Chính phủ thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm có những chuyển biến tích cực, các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục phát huy hiệu quả.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tháng 10/2012 tăng 5,8% so với tháng 9/2012 (Chỉ số IIP tháng 6/2012 tăng 2%, tháng 7/2012 tăng 3,2%, tháng 8/2012 tăng 4,1%, tháng 9/2012 tăng 4,6%) đây là mức tăng khá so với 4,6% của tháng 9/2012.

Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 10 tháng đầu năm 2012 đạt 4,83 triệu tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa mùa (ở miền Bắc), lúa hè thu và thu đông (ở miền Nam) tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ước sản lượng lúa cả năm 2012 sẽ tăng khoảng 0,7 triệu tấn so với năm 2011.

Khu vực dịch vụ có mức phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt trên 1.917 ngìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2011, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 5,34 triệu lượt khách, tăng khoảng 11,2%.

Trong tháng 10/2012 có khoảng 6.000 doanh nghiệp thành lập; số lượng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động giảm khá nhiều, khoảng 1.000 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (Tháng 7/2012 có khoảng 4.000 DN, tháng 8/2012 trên 5.000 DN, tháng 9/2012 gần 5.000 DN giải thể và ngừng hoạt động). Tính chung 10 tháng đầu năm có hơn 57 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, trong khi đó có 41,2 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động (giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2011).

Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm mạnh so với tháng trước: CPI tháng 10/2012 tăng 0,85% (Tháng 1/2012 tăng 1%; tháng 2/2012: 1,37%, tháng 3/2012: 0,16%, tháng 4/2012: 0,05%, tháng 5/2012: 0,18%, tháng 6/2012: -0,26%, tháng 7/2012: -0,29%, tháng 8/2012 tăng 0,63%, tháng 9/2012 tăng 2,2%).so với tháng 9/2012 (2,2%); tăng 6,02% so với tháng 12/2011 và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các tháng cùng kỳ 2 năm liền trước (Tháng 10 so với tháng cùng kỳ năm trước các năm 2010, 2011 lần lượt là: 9,66% và 21,59%).

Về tiền tệ và tín dụng: So với 31/12/2011, đến ngày 19/10/2012, tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 14,2%. Lãi suất cho vay đã giảm 5-8% so với cuối năm 2011, phù hợp với diễn biến lạm phát. Đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 11-13%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 14-17%/năm. Tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác) của nền kinh tế so với 31/12/2012 tăng 2,77%. Tỷ giá ngoại tệ cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên. 

Về xuất, nhập khẩu: Trong tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng 9; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng trên 11,7%; nhập siêu 500 triệu USD. Tính chung 10 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,45 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt trên 93,8 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập siêu 10 tháng đầu năm khoảng 357 triệu USD, bằng 0,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thu - chi NSNN được quản lý tốt, bảo đảm các khoản chi theo kế hoạch và các khoản chi phát sinh. Lũy kế đến 15/10/2012, tổng thu NSNN ước đạt gần 523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,7% dự toán; tổng chi NSNN ước đạt gần 678,6 nghìn tỷ đồng, bằng 75,1% dự toán.

Giải ngân vốn đầu tư tăng khá, cao hơn so với cùng kỳ năm trước; trong 10 tháng đầu năm đã giải ngân được 134,39 nghìn tỷ đồng, đạt 74,7% dự toán năm.

Vốn đầu t­­ư trực tiếp nư­­ớc ngoài thực hiện ước đạt 9 tỷ USD, bằng 98,9% cùng kỳ năm 2011. Số vốn đăng ký tăng thêm của các dự án đã triển khai đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng 12,3%.

Vốn ODA giải ngân ước đạt 3,22 tỷ USD bằng 102,5% kế hoạch năm 2012; trong đó, vốn vay ước đạt 3,017 tỷ USD; viện trợ không hoàn lại ước đạt 203 triệu USD.

An sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm. Trong 10 tháng đầu năm 2012, cả nước ước tạo việc làm cho khoảng 1.195 nghìn lao động, đạt trên 78,7% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 64,8 nghìn người, đạt 72% kế hoạch năm.

Tai nạn giao thông giảm khá mạnh. 10 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông giảm 22,1%, số người chết giảm 17% và số người bị thương giảm 26,5%.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. 

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì họp báo

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định; còn tiềm ẩn lạm phát cao trở lại. Tăng trưởng kinh tế chậm hơn mục tiêu đề ra. Tổng dư nợ tín dụng vẫn tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch lớn so với tốc độ tăng huy động vốn. Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI; nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp tăng chậm; tồn kho giảm nhưng vẫn còn ở mức cao... Đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm diễn biến phức tạp.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các chủ trương của Đảng, các giải pháp, chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Tiếp tục ổn định vĩ mô, không để lạm phát quay lại trong những năm tới. Tập trung xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại, có các biện pháp xử lý nợ xấu cụ thể của từng ngân hàng thương mại đối với từng doanh nghiệp. Tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; giảm sở hữu chéo. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét chỉ đạo để khoanh nợ cho các doanh nghiệp có phương án và triển vọng kinh doanh tốt, giúp doanh nghiệp có thể vay được vốn kinh doanh.

NHNN cũng cần chú trọng việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhằm chấn chỉnh và làm lành mạnh thị trường vàng.

Phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.

Bố trí giải ngân vốn đầu tư từ NSNN và từ tín dụng nhà nước nhằm đảm bảo trả nợ cho các dự án đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành cho doanh nghiệp nhằm giải tỏa nợ của doanh nghiệp. Kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật NSNN, thực hiện NQ 01/NQ-CP và NQ 13/NQ-CP và các khoản ứng trước vốn của năm 2013. Rà soát, điều chuyển, giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ứng trước của năm 2013, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn FDI, ODA...

Các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giảm hàng tồn kho, nhất là bất động sản (hạ giá bán, xử lý các tài sản đảm bảo, ưu tiên dự án nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp...); cải thiện môi trường kinh doanh (cải thiện thủ tục hành chính, phân cấp mạnh hơn); đẩy mạnh tiết kiệm, giảm chi tiêu không cần thiết.

Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, theo hướng tập trung vào ngành nghề chính, sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp cho phù hợp với thị trường, năng lực tài chính; đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa; tăng cường năng lực quản trị gắn với nâng cao năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu các doanh nghiệp.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thực phẩm không đảm bảo, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chất cấm trong thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo, vùng bị thiên tai, nhất là trong thời gian bão lũ tại miền Trung hiện nay....Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, công trình phòng chống bão, chủ động đối phó với thiên tai, lũ lụt.

Bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng, nhất là trên biển, hải đảo, biên giới đất liền. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục (chú ý trong hệ thống ngân hàng). Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa các vụ khiếu nại mới; nhân rộng mô hình một cửa, một cửa liên thông...

Các Bộ, ngành và địa phương chuẩn bị tốt và khẩn trương triển khai Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2013 sau khi được Quốc hội thông qua; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2012 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Liên quan đến việc Bộ Tài chính vừa qua có báo cáo Quốc hội do khó khăn về cân đối nguồn nên xin lùi thời hạn tăng lương theo lộ trình đối với khu vực hưởng lương từ ngân sách, Ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ rất quan tâm chia sẻ hiện nay một bộ phận lớn dân cư làm công ăn lương, đặc biệt là đa phần  những người làm công ăn lương có thu nhập còn rất hạn hẹp, đời sống khó khăn. Cho nên, từ mấy năm nay, thực hiện chủ trương chung, Chính phủ đề ra lộ trình điều chỉnh tăng lương.

Nhưng thu ngân sách năm nay (2012) và đầu sang năm (2013) còn gặp nhiều khó khăn, trong khi Chính phủ đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như là miễn, giảm, giãn nợ thuế… nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp ơhục hồi sản xuất – kinh doanh nên chưa đủ nguồn để thực hiện như dự kiến ban đầu. Chính phủ dự kiến trình, xin lùi thời hạn, nhưng một mặt cố gắng tăng thu, nhưng cốt lõi hơn là tiết kiệm chi, ngoài tiết kiệm chi thường xuyên 10% mà chúng ta đã làm, phải siết lại các khoản chi sao cho tiết kiệm nhất để ngay khi có thể cân đối đủ nguồn, thì sẽ báo cáo Quốc hội thực hiện điều chỉnh tăng lương.

  

Tin tức liên quan

Lịch nộp các loại báo cáo thuế năm 2018

Là một kế toán viên, bạn hãy note lại để nhớ lịch nộp các loại báo cáo thuế năm 2018 nhé... ...

...

Điều kiện để khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi mua hàng hóa dịch vụ bằng thẻ tín dụng cá nhân.

Căn cứ: – Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 26/2015/TT-BTC – Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ...