Ngày 09/10/2012, Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 9 (AFMIS 9) đã khai mạc trọng thể tại Khách sạn Island Shangri-la Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) với sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN, đại diện các tổ chức quốc tế và gần 200 nhà đầu tư đến từ nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Khai mạc Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 9 (AFMIS 9)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Cesar Purisima - Bộ trưởng Tài chính Philippines nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu và đông đảo các nhà đầu tư khu vực và quốc tế đã đến tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 9 (AFMIS 9). Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima nhấn mạnh: Hội nghị Xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN ngày càng khẳng định được tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt, thu hút sự quan tâm của cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế. Với tính chất là một hoạt động thường niên của kênh hợp tác tài chính ASEAN, AFMIS đã và đang góp phần tích cực vào việc tăng cường nền tảng kinh tế của ASEAN, củng cố và thúc đẩy việc xây dựng ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài khối.
Sau phát biểu khai mạc Hội nghị là bài diễn văn chính của ông Tharman Shanmugaratnam - Chủ tịch Ủy ban IMF, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore. Ông Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh: Chủ đề của AFMIS 9 năm nay là: “Một ASEAN hợp tác và phát triển”, trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới đang đối mặt với suy thoái vừa tạo ra thời cơ phát triển, vừa đặt ra những thách thức gay gắt với tất cả các nước; đòi hỏi mỗi quốc gia trong khu vực phải đề cao trách nhiệm, tăng cường đoàn kết nội khối và đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức bên ngoài để cùng nhau nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, có vị trí, vai trò trung tâm trong các cấu trúc bảo đảm hợp tác và phát triển ở khu vực.
Trong khuôn khổ hội nghị lần này, những vấn đề mà các Bộ trưởng Tài chính ASEAN quan tâm tập trung vào những vấn đề về tài chính và ổn định tài chính của các nước ASEAN; sự cần thiết của việc ổn định và phát triển thị trường vốn và thị trường trái phiếu; những quyết tâm về cải cách và đổi mới thể chế và chính sách; tăng cường năng lực cạnh tranh của khu vực thông qua mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015; những đề xuất để thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác giữa ASEAN với các đối tác nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và hợp tác trong khu vực.
Thứ trưởng Trương Chí Trung phát biểu tại AFMIS 9
Trong phiên họp toàn thể với các nhà đầu tư, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã cùng nhau công khai thảo luận về những cơ hội và vấn đề ảnh hưởng của mỗi nền kinh tế trong khu vực như lạm phát, luồng vốn, đầu tư trực tiếp nước ngoài và các sáng kiến khác của mỗi quốc gia để giải quyết những vấn đề đó.
Phát biểu tại phiên thảo luận chung, thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam, Thứ trưởng Trương Chí Trung đã giới thiệu với các nhà đầu tư những thông tin mới nhất về tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, qua đó giúp cho các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về toàn cảnh về kinh tế - xã hội Việt Nam, về tiềm năng phát triển và các cơ hội đầu tư bình đẳng mà Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong một tương lai dài hạn, qua đó củng cố định hướng đầu tư phát triển của mình tại Việt Nam trong những năm tới.
Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh: Đối với nền kinh tế Việt Nam, ngay từ đầu năm 2012, Việt Nam đã xác định ưu tiên việc duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nhằm vượt qua khó khăn trước mắt và hướng tới mục tiêu tăng truởng bền vững dài hạn. Để thực hiện được mục tiêu đó, Chính phủ Việt Nam đã nhất quán thực hiện các biện pháp chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cũng đang triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; đặc biệt cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng, thúc đẩy cơ cấu lại doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Những nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ đã đem lại những hiệu quả tích cực. Tính đến hết tháng 9 năm 2012, GDP của Việt Nam tăng theo xu huớng quý sau cao hơn quý trước trong cả ba quý liên tục. Quý 3 đạt 5,35% so với 4,66% của Quý 2 và 4% trong Quý 1. So với thời điểm một năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 9 tăng 9,7% trong khi chỉ số bán lẻ hàng hoá dịch vụ tăng 17%. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam cũng đạt thặng dư ngoại thương ở mức 34 triệu đô-la Mỹ so với mức thâm hụt 8,16 tỷ đô-la cùng kỳ năm trước. Trong đó, nổi bật là xuất khẩu sang hai thị truờng lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Liên minh Châu Âu đều tăng so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 17,7% và 23,5%. Việc Chính phủ thể hiện quyết tâm và cam kết thực hiện các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế đã và đang không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển vững vàng trong khó khăn mà còn giúp khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau phiên thảo luận chung, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã có cuộc gặp gỡ với báo chí và trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư. Thứ trưởng Trương Chí Trung đã trả lời nhiều câu hỏi của báo chí và các nhà đầu tư quốc tế, trong đó nội dung được các đại biểu rất quan tâm là vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế cũng như triển vọng kinh tế và triển vọng đầu tư vào Việt Nam thời gian tới.
Phân tích và làm rõ các vấn đề mà cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm, Thứ trưởng Trương Chí Trung khẳng định: Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng đang nỗ lực làm hết sức mình để phát triển nền kinh tế ổn định và bền vững; đồng thời không ngừng cải thiện môi trường đầu tư. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, việc Việt Nam vẫn duy trì được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với mức tăng trưởng vừa phải cùng với những chuyển biến tích cực trong việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững sẽ là một điểm sáng tin cậy, an toàn và là cơ hội tốt về đầu tư và kinh doanh cho cộng đồng quốc tế./.
Theo: Website BTC