Đó là Thông tư liên tịch giữa TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp, quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước do hành vi trái pháp luật của thẩm phán, HĐXX khi ra các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Theo Thông tư, khi tổ chức, cá nhân cho rằng bị thiệt hại do thẩm phán, HĐXX gây ra muốn được nhà nước bồi thường phải gửi hồ sơ đến tòa án có trách nhiệm giải quyết. Nếu xác định hồ sơ hợp lệ, tòa án nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản đến người yêu cầu; trường hợp từ chối phải hướng dẫn gửi đến các cơ quan có trách nhiệm khác.
Kể từ khi thụ lý, trong 5 ngày phải tổ chức xác minh thiệt hại. Sau khoảng 20-40 ngày, việc xác minh phải hoàn tất và cử đại diện thương lượng với người bị thiệt hại... Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn thương lượng có thể kéo dài hơn quy định (30 ngày) nhưng không quá 45 ngày.
Căn cứ quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của tòa án hoặc bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, tòa án có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền cho người bị thiệt hại.
Ngay khi thực hiện trong việc chi trả, chánh án phải lập Hội đồng để xác định mức độ lỗi cùng điều kiện kinh tế của thẩm phán, HĐXX đã gây thiệt hại; kiến nghị mức hoàn trả và phương thức hoàn trả.
Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ 3 mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. Nếu họ không làm việc hoặc không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả...
Việc xác định thẩm phán, Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệnh hồ sơ vụ án theo quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, không áp dụng thông tư liên tịch này để giải quyết. |
Theo: VnExpress