Trong ngày mở bán đầu tiên chiếc Galaxy S8, doanh số có thể đạt đến khoảng 400 tỷ đồng. Samsung Vina cho biết trong ngày đầu tiên các nhà bán lẻ mới giao được 50% so với lượng khách đặt mua, do đó những ngày sau con số này còn có thể cao hơn nữa.
Ông Mai Triều Nguyên, chủ hệ thống Mai Nguyên, ước tính trong ngày đầu mở bán, có khoảng hơn 20.000 máy Samsung Galaxy S8 và S8+ đã được giao cho khách hàng tại Việt Nam. Con số này khá chính xác khi biết rằng chỉ mới thống kê ở các hệ thống lớn, có gần 40.000 đơn hàng đặt trước, trong đó Samsung cho biết tỷ lệ giao máy trong ngày đầu của các nhà bán lẻ ở mức 50%.
S8 có giá bán 18.490.000 đồng, S8+ bán giá 20.490.000 đồng, tuy nhiên các nhà bán lẻ cho biết tỷ lệ đặt mua S8+ cao hơn, do đó trung bình giá máy ước tính vào khoảng 20 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong ngày 5/5, người Việt đã chi khoảng 400 tỷ đồng, tức gần 20 triệu USD, để mua smartphone của Samsung.
Khách hàng xem Galaxy S8+ tại một sự kiện mở bán của nhà bán lẻ - Ảnh: H.Đ
Theo đại diện Samsung Vina, trong ngày đầu tiên các nhà bán lẻ mới giao được 50% so với lượng khách đặt mua, do đó những ngày sau con số này còn có thể cao hơn nữa.
Samsung Vina cũng cho biết số lượng đơn hàng thực mua S8 trong ngày đầu cao gấp 3 lần so với S7 trước đó, trong khi số lượng đặt mua (có thể hủy) cao gấp 4 lần S7. Đó là chưa kể mức giá S8 và S8+ đã được đẩy lên cao hơn bất kỳ điện thoại dòng S nào ở lần ra mắt đầu tiên, thậm chí S8+ còn cao hơn cả giá Note 7 vừa ra mắt gần đây. Điều này cho thấy người Việt sẵn sàng chi trả rất cao đối với sản phẩm smartphone.
Ông Nguyên cho rằng, không có ngành hàng nào hay sản phẩm nào “nóng” được như smartphone, tạo được sức mua lớn như vậy.
Các số liệu thống kê cho thấy mức giá trung bình của điện thoại tại Việt Nam đang tăng lên. Năm 2015 mức giá trung bình của smartphone khoảng 4,2 triệu đồng, đến giữa 2016 mức này được đẩy lên khoảng 5 triệu đồng. Theo GfK, từ nửa đầu 2015 đến cùng kỳ 2016, smartphone trong tầm giá từ 4-6 triệu đồng thị phần tăng từ 18,2% lên 21,2 %. Từ 6-8 triệu đồng tăng từ 5,5% lên 6,6 %. Đặc biệt, nhóm di động từ 8-10 triệu đồng tăng trưởng gần gấp đôi, từ mức thị phần 3,5% lên 6,6 %. Nhóm điện thoại trên 10 triệu đồng cũng tăng, từ 8,0% lên 9,7%.
Ngược lại, cũng xét từ đầu năm 2015 đến đầu 2016, thị phần smartphone giá dưới 2 triệu đồng giảm mạnh từ 24,2% xuống còn 17%. Nhóm điện thoại từ 2-3 triệu giảm từ 19,7% xuống còn 17,4%.
Ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc tiếp thị Oppo Việt Nam, đầu năm nay từng chia sẻ rằng ở phân khúc phổ thông, người dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn nếu có sản phẩm tốt. Bằng chứng của việc này là thị phần của nhóm điện thoại từ 4-6 triệu đồng tăng từ 18,2% lên 21,2%, trong khi nhóm dưới 4 triệu đồng sụt giảm. Đó là lý do vì sao Oppo dịch chuyển nhóm sản phẩm chủ lực như dòng Neo (trên dưới 4 triệu đồng) lên dòng F1 hay F1s (gần 6 triệu đồng).
Lý giải cho nguyên nhân mức giá trung bình của smartphone tăng lên, ngoài lý do mức sống của người dân tăng cao, ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường IDC Việt Nam, cho rằng các chương trình hỗ trợ mua hàng trả góp, trả góp 0% đã kích cầu tiêu dùng rất mạnh. Người dùng sẵn sàng chi trả nhiều hơn khi được mua điện thoại trả dần.
Ngoài ra, không thể không kể đến các chương trình quảng bá, khuyến mại rầm rộ của các hãng liên tục “dội bom” khách hàng khiến nhu cầu mua hàng tăng lên. Trong đó Samsung và Oppo đi tiên phong, sau đó đến Apple (do các nhà bán lẻ tổ chức). Dễ thấy trong các chương trình đặt trước sản phẩm cao cấp, các món quà giá trị và những chương trình khuyến mại lớn đã góp phần thu hút người mua. Như khi đặt trước Galaxy S8, hầu hết nhà bán lẻ tặng quà khuyến mại tương đương 4 triệu đồng, thêm vào đó là các giải đặc biệt giá trị cao hơn.
Do đó, mặc dù thị trường có xu hướng tăng, người dùng móc hầu bao nhiều hơn, nhưng trong khi các hãng khác chiếm thị phần èo uột thì Samsung, Oppo, Apple đang chiếm gần hết thị trường.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động, cho biết ba hãng dẫn đầu đang chiếm đến 85% thị phần ở hệ thống này, các hãng còn lại chia nhau 15% miếng bánh.
Ngoài nhu cầu thị trường tăng cộng với các chương trình quảng bá mạnh mẽ của các hãng, thói quen tiêu dùng của người Việt cũng góp phần không nhỏ cho sức tiêu thụ của mặt hàng di động. Các nghiên cứu của các hãng đều cho rằng người Việt thích sử dụng sản phẩm công nghệ tiên tiến, đi trước nhu cầu của nhiều nước trong khu vực.
Đại diện hãng Sharp cho biết người Việt tiêu thụ máy giặt của hãng lớn nhất trong khu vực. Trong khi người dân các nước chung quanh còn sử dụng máy giặt thế hệ cũ thì loại máy giặt này đã bị “khai tử” tại Việt Nam, chỉ còn loại sản phẩm mới.
Trong sự kiện giới thiệu màn hình máy tính chơi game dạng cong tại thị trường Việt Nam hồi tháng 4, một đại diện của Samsung cũng cho biết nghiên cứu tiêu dùng cho thấy người Việt thích sử dụng những sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm của tương lai.
Có những hãng điện thoại khi tung sản phẩm ra thị trường hầu hết đều dành cho Việt Nam phiên bản cao cấp nhất để đáp ứng thị hiếu, vì có ý kiến cho rằng người Việt thích sử dụng phiên bản cao cấp.
Trở lại câu chuyện về doanh số “khủng” của Samsung Galaxy S8 trong ngày đầu, ngoài các lý do kể trên thì phải nói đến xu hướng chung của các thị trường trọng điểm của Samsung dành cho sản phẩm mới nhất của hãng. Tại Hàn Quốc, Samsung cho biết đã nhận được 550.000 lượt đặt trước chỉ trong 2 ngày, cao hơn 5 lần so với S7 (khoảng 100.000 máy) và gần 3 lần so với Note 7 (khoảng 200 ngàn máy). Nếu so với khoảng trên 35 ngàn đơn hàng (theo thống kê của các nhà bán lẻ) dành cho S8 và S8+ tại Việt Nam thì con số tại Việt Nam còn quá nhỏ bé.
Để khiến nhiều người dùng móc hầu bao với một chiếc điện thoại tầm giá 20 triệu đồng như vậy, theo ông Nguyên, hiện nay chỉ mới Samsung và Apple làm được.
Nguồn genk.vn