Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020

 

Ngày 26/11/2020, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Tham dự Diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Giám đốc phụ trách hoạt động dự án, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister... cùng đại diện nhiều Bộ, ngành, Hiệp hội và đông đảo các doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế.

Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh có nhiều đặc điểm mới. Việc triển khai và ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đòi hỏi DN phải nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh. Trong khi đó, vấn đề chi phí logistics đã được nêu lên nhiều năm qua nhưng hiện vẫn là điểm nghẽn.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhìn nhận năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả này có sự đóng góp của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế. Trong đó, có đóng góp rất quan trọng của ngành logistics.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.  

Xác định rõ những thời cơ, thách thức trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành logistics, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho các bộ, ban ngành tại Diễn đàn, gồm:

  • Tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics;
  • Khẩn trương, rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics;
  • Ưu tiên tối đa nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển logistics;
  • Các bộ, ngành khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc để doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước;
  • Bộ Công Thương thực hiện tốt nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia; phát huy mạnh mẽ hiệu lực, hiệu quả của cơ chế liên ngành, phối hợp từ Trung ương đến địa phương;
  • Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Diễn đàn Logistic Việt Nam 2020 thu hút sự tham gia của hơn 50 tổ chức quốc tế cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và hơn 500 DN hoạt động trong lĩnh vực logistic, sản xuất và xuất nhập khẩu. Trong khuôn khổ Diễn đàn, 2 hội thảo chuyên đề và nhiều hoạt động ký kết hợp tác cũng diễn ra.

Tham gia Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có bài trình bày tham luận “Tháo gỡ bất cập nhằm giảm chi phí logistics tại Việt Nam”, và Hội thảo chuyên đề về Chuyển đổi số trong logistics.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã công bố Báo cáo Logistics Việt Nam 2020. Bản Báo cáo sẽ cung cấp những số liệu cũng như đánh giá xác thực nhất của tình hình phát triển của ngành dịch vụ logistics trong năm 2020. VLA cũng tham gia xây dựng báo cáo với 3 thành viên đại diện.

Cũng trong sự kiện này, VLA đã ký 02 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Hiệp hội Nông nghiệp số (VIDA) về việc hình thành công ty cộng đồng Logitek phát triển công nghệ phục vụ logistics và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).

Tại Hội nghị, 12 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, có đóng góp trong việc phát triển ngành dịch vụ logistics do VLA đề xuất đã được vinh danh.

 

Theo VLA tổng hợp

  

Tin tức liên quan

Khi Ransomware nhắm vào Doanh nghiệp Việt

Bài học đắt giá sau những cuộc tấn công Ransomware và những điều Doanh nghiệp Việt cần thực hiện nga ...

Video giới thiệu phần mềm ERP WINTA

Giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp WINTA ERP được xây dựng nhằm quản trị tổng thể doanh nghiệp ...

Thư chúc mừng ngày 8/3

Thân gửi toàn thể các thế hệ nữ cán bộ, nhân viên Công ty Winta cùng Khách hàng và Đối tác! ...